Tại sao các hãng tin lớn trên Thế giới tuyên bố người đắc cử Tổng thống Mỹ

Tuyên bố của giới truyền thông không quyết định ai là người chính thức sẽ trở thành tổng thống Mỹ, nhưng nó thường đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực và ít khi sai sót.

Theo PolitiFact, lời “tuyên bố” của giới truyền thông không có giá trị pháp lý. Nó đơn giản là kết quả tốt nhất dựa trên tính toán số liệu mà các hãng tin có. Các hãng tin công bố người thắng cuộc khi số liệu cho thấy không còn cửa thắng cho ứng viên bị dẫn trước nữa.

Vấn đề ở đây là nếu đợi kết quả chính thức của từng bang, ngày bầu cử sẽ biến thành tháng bầu cử.

Luật liên bang cho các bang hơn một tháng sau bầu cử để chốt kết quả chính thức, để các quan chức bầu cử từng bang có đủ thời gian để kiểm tra các lá phiếu được bỏ với điều kiện trước đó. Hạn chót năm nay là ngày 8/12 để các bang tổng kết kết quả bầu cử của bang họ. Đến ngày 14/12, các đại cử tri mới chính thức bỏ phiếu để chọn ra tổng thống.

Dù không có giá trị pháp lý, tuyên bố của giới truyền thông sẽ tạo nên nhận thức của công chúng rằng ai đã thắng, áp lực từ truyền thông và công chúng cũng thường thúc đẩy các ứng viên tuyên bố chiến thắng hoặc nhận thua, đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực, theo PolitiFact.

Vào cuộc bầu cử năm 2016, ông Donald Trump được các hãng tin công bố là người chiến thắng vào lúc 2h ngày 9/11, tức chỉ 2 tiếng sau khi ngày bầu cử kết thúc. Đến ngày 10/11, ông Trump – lúc đó đã được gọi là tổng thống tân cử – gặp tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama trong Nhà Trắng, cả hai cam kết một quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Tất cả quá trình đó diễn ra hàng tháng trời dù đến ngày 19/12, các đại cử tri mới chính thức bỏ phiếu.

Một nhân viên của AP đang đọc bản sao từ kết quả bầu cử vào tháng 11/1936. Ảnh: AP.

Tính toán của các hãng tin có thể sai, như vào năm 2000, khi các hãng thông tấn lớn đồng loạt dự báo rằng Al Gore sẽ thắng Florida (kết quả sau đó là George W. Bush thắng chỉ với 537 phiếu). Tuy nhiên, trong lịch sử hơn một thế kỷ “nói trước” kết quả bầu cử, các hãng tin ít khi sai.

“Tổ quyết định” của AP

Hãng tin Associated Press (AP) sẽ không dự đoán người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, hay thậm chí sẽ không gọi tên người có khả năng chiến thắng. AP chỉ đưa tin khi mọi chuyện đã chắc chắn – giống như mọi cuộc bầu cử Mỹ khác từ năm 1848, khi Zachary Taylor giành chiến thắng tại Nhà Trắng.

Sally Buzbee, tổng biên tập AP, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Khi ứng cử viên xếp sau không có cách nào để bắt kịp, thì kết quả cuộc đua sẽ được quyết định. Và nếu có bất kỳ điều gì không chắc chắn hoặc có đủ khả năng thay đổi kết quả, chúng tôi sẽ không tuyên bố kết quả”.

Khi AP theo dõi cuộc cạnh tranh giữa Tổng thống Trump và ông Joseph R. Biden Jr., các quyết định của hãng sẽ không bị lung lay bởi các thế lực bên ngoài.

“Các tuyên bố do các tổ chức khác thực hiện sẽ không ảnh hưởng gì việc AP tuyên bố một ứng cử viên là người chiến thắng”, hãng tin này cho biết. “Chúng tôi không tham gia tranh luận với bất kỳ chiến dịch hoặc ứng cử viên nào”.

Lập trường này rất quan trọng trong một cuộc bầu cử hỗn loạn, trong đó hơn 90 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu trước Ngày bầu cử 3/11 vì đại dịch virus corona. Cuộc bầu cử trở nên phức tạp hơn nữa bởi những thông tin sai lệch được lan rộng và những tuyên bố sai lầm của ông Trump rằng cuộc bỏ phiếu đã bị “gian lận”.

Hãng AP đưa ra quyết định dựa trên báo cáo của hơn 4.000 phóng viên địa phương tự do, những người thu thập số phiếu bầu từ các thư ký ở mỗi quận của 50 bang.

Các phóng viên địa phương đó sẽ gọi điện báo cáo kết quả cho các trung tâm tiếp nhận tin tức của AP. Sau đó hơn 800 nhân viên sẽ đánh giá dữ liệu, kiểm tra lại với các phóng viên nếu có bất kỳ sự bất thường nào trước khi nhập chúng vào hệ thống AP.

Người theo dõi cuộc đua ở mỗi bang sẽ kiểm tra số lượng phiếu với một nhà phân tích tại nhóm của AP ở Washington để xác định khi nào người chiến thắng có thể được tuyên bố.

Bà Buzbee cho biết sẽ có hai biên tập viên ký tên chấp thuận trong tuyên bố. Trưởng văn phòng của AP tại Washington Julie Pace sẽ phải ký tên khi gọi tên người chiến thắng trong cuộc đua tổng thống.

Sức ảnh hưởng

Với 250 văn phòng tại 99 quốc gia, AP cung cấp khoảng 730.000 bài báo, 70.000 video và một triệu bức ảnh mỗi năm cho hơn 15.000 trang báo và doanh nghiệp theo dõi trang.

Vào thời điểm bầu cử, hãng tin trở thành tâm điểm chú ý khi các tổ chức tin tức lớn bao gồm NPR, PBS và hai tờ báo lớn Gannett, McClatchy đều đợi AP xác nhận trước khi đưa tin kết quả.

Các trang báo khác, bao gồm New York Times, Wall Street Journal, Washington Post và Fox đều sử dụng dữ liệu từ AP để đưa ra quyết định. Google cũng sử dụng báo cáo kết quả bầu cử của AP để có kết quả theo thời gian thực trên trang tìm kiếm của mình cũng như bảng theo dõi trên Youtube.

Những hãng tin khác như ABC, CBS, CNN và NBC có số liệu riêng, song sẽ chia sẻ thông tin với tư cách là thành viên của Nhóm Bầu cử Quốc gia – một nhóm sử dụng dữ liệu từ Edison Research.

Arnie Seipel, chủ mục chính trị của NPR, cho biết: “AP đã cẩn thận và thận trọng khi kiểm phiếu và đưa tin về bầu cử trong hơn một thế kỷ. Họ cũng có một đội ngũ với nhiều nguồn lực để thực hiện thu thập và phân tích dữ liệu”.

“Vì vậy, bằng cách dựa vào AP, chúng tôi có thể đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào các báo cáo ban đầu, thay vì cố gắng sao chép những gì họ đã làm”, Seipel nói thêm.

Văn phòng AP tại Washington vào đêm bầu cử, ngày 8/11/1932. Ảnh: AP.

Tại Mỹ – khác với các quốc gia khác khi không có uỷ ban bầu cử quốc gia – các kênh tin tức đóng vai trò là người tường thuật lại diễn biến cuộc đua.

“Nếu chúng tôi muốn biết tổng thống tiếp theo là ai, chúng tôi phải tự mình tính toán số phiếu tại từng quận trên toàn quốc”, David Scott, phó tổng biên tập của AP, cho biết trong một bài báo.

Bà Buzbee, người đã làm việc tại thông tấn AP từ năm 1988 và trở thành biên tập viên hàng đầu của hãng vào năm 2017, cho biết các nhân viên nhận thức rõ về vai trò của hãng trong các cuộc bầu cử.

“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này”, bà cho biết. “Chúng tôi biết ảnh hưởng toàn cầu của mình khi đưa tin về cuộc chạy đua tổng thống”.

AP là tổ chức tin tức đầu tiên tuyên bố Donald J. Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Hãng tin này đã đăng một thông báo đơn giản lúc 2:29 giờ sáng theo giờ miền Đông vào ngày sau Ngày bầu cử: “WASHINGTON (AP) – Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ”.

Các nhà báo AP ở New York đang lập bảng kết quả vào ngày 3/11/1936. Ảnh: AP.

Vì đại dịch, hầu hết nhân viên của AP đã làm việc từ xa kể từ tháng 3. Ngày 3/11, khoảng 50 nhân viên cốt cán sẽ làm việc trong văn phòng Washington, thay vì 200 người như bình thường, theo bà Buzbee. Đồng thời, bữa tối sẽ được đóng thành từng hộp riêng thay vì ăn chung pizza như mọi khi.

Sau khi tuyên bố người chiến thắng, AP sẽ công bố cách thu thập dữ liệu của mình. Theo bà Buzbee, điều này giúp làm sáng tỏ quy trình và không ai nghi ngờ sẽ có bí mật gì xảy ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 + 3 =