Cảnh sát chạy khỏi “chảo lửa” Myanmar năn nỉ Ấn Độ không trục xuất

Cảnh sát Myanmar vượt biên mong muốn chính quyền Ấn Độ cho phép họ tị nạn trong bối cảnh tình hình bạo lực trong nước ngày càng leo thang.

Cảnh sát giải tán đám đông biểu tình ở Yangon, Myanmar hôm 27/2 (Ảnh: Reuters).

Một số sĩ quan cảnh sát Myanmar đã tìm nơi ẩn náu tại một ngôi làng ở bang Mirozam phía đông bắc Ấn Độ, giáp biên giới Myanmar sau khi bỏ trốn khỏi đất nước.

“Tôi không muốn về nước cho tới khi mọi vấn đề được giải quyết xong”, sĩ quan cảnh sát Myanmar nói với AP.

Một sĩ quan vượt biên khác nói rằng quân đội đã ra lệnh cho họ trấn áp người biểu tình và cảnh sát luôn được điều động lên tuyến đầu bất kể khi nào có biểu tình.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải rời khỏi đất nước”, sĩ quan cảnh sát Myanmar cho biết.

Nhiều người tị nạn từ Myanmar đã tìm đường sang Ấn Độ sau khi đảo chính xảy ra. Các nhà chức trách bang và liên bang Ấn Độ vẫn chưa công bố bất kỳ số liệu nào về số người Myanmar vượt biên, nhưng một số quan chức bang cho biết số lượng có thể lên tới vài trăm người. Một ngôi làng ở Ấn Độ đã thiết lập nơi trú ẩn cho 34 sĩ quan cảnh sát và một lính cứu hỏa Myanmar trong hai tuần qua.

Làn sóng biểu tình bùng phát mạnh mẽ tại Myanmar từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2. Các cuộc đối đầu bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh nổ ra tại nhiều thành phố lớn trên khắp Myanmar. Một tổ chức giám sát nhân quyền ước tính hơn 200 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị bắt trong gần 2 tháng qua tại Myanmar.

Chính phủ liên bang Ấn Độ và bang Mizoram vẫn đang mâu thuẫn về cách xử lý người vượt biên từ Myanmar. Trước đó, chính quyền Mizoram đã cho phép người vượt biên Myanmar được nhập cảnh vào Ấn Độ và cung cấp lương thực, nơi ở cho họ.

Nghị sĩ K. Vanlalvena từ bang Mirozam, đông bắc Ấn Độ ngày 19/3 cho biết hơn 1.000 người đã tìm cách chạy trốn khỏi tình hình bạo lực ở Myanmar và vượt biên sang Mirozam từ cuối tháng 2.

Bộ Nội vụ Ấn Độ gần đây yêu cầu 4 bang giáp với Myanmar, trong đó có Mizoram, thực hiện các biện pháp để ngăn chặn người tị nạn từ Myanmar vào Ấn Độ, ngoại trừ lý do nhân đạo. Quy định này khiến nhiều người Myanmar vượt biên có nguy cơ bị trục xuất về nước.

Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết các bang không được cấp quy chế tị nạn cho bất kỳ người nào từ Myanmar, vì Ấn Độ không tham gia Công ước về Người tị nạn năm 1951 của Liên Hợp Quốc và Nghị định thư năm 1967.

Thủ hiến bang Mizoram Zoramthanga ngày 18/3 đã gửi thư lên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khẳng định Ấn Độ “không thể làm ngơ” trước cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở bang này. Các nhà chức trách Mirozam kêu gọi chính quyền liên bang giúp xây dựng các trại tị nạn gần khu vực biên giới Myanmar – Ấn Độ.

Trong thư gửi Thủ tướng Modi, ông Zoramthanga cho biết người dân bang Mizoram là những người có quan hệ sắc tộc với người tị nạn thuộc dân tộc Chin ở Myanmar và “không thể thờ ơ trước nỗi khổ của họ”. Ông Zoramthanga cũng kêu gọi chính phủ liên bang xem xét lại sắc lệnh và cho phép người tị nạn Myanmar ở lại Ấn Độ.

Hồi đầu tháng, Myanmar đã yêu cầu Ấn Độ trục xuất các sĩ quan cảnh sát vượt biên. Ấn Độ có chung đường biên giới dài 1.643 km với Myanmar. Nhiều bang tại Ấn Độ cũng đang tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Myanmar.

Thành Đạt

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

8 + 1 =