Trung Quốc “sẵn sàng hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tại Myanmar”

Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan tại Myanmar nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi gặp nhau tại Myanmar ngày 17/1/2020 (Ảnh: Reuters).

“Ưu tiên trước mắt là ngăn chặn đổ máu và xung đột thêm nữa”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu với các phóng viên tại họp báo hôm 7/3.

Ông Vương cho biết Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ để xoa dịu căng thẳng tại Myanmar, bao gồm làm việc với các nhà lãnh đạo của các đảng phái và phe nhóm khác nhau tại nước này.

Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc thực hiện kế hoạch trên dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và nguyện vọng của người dân Myanmar. Ông cũng cho biết Trung Quốc có mối quan hệ “hữu nghị và lâu dài” với nhiều nhà lãnh đạo ở Myanmar.

Ngoài ra, nhà ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar.

“Myanmar là một phần của ASEAN. Trung Quốc ủng hộ nguyên tắc của ASEAN về việc không can thiệp vào công việc nội bộ, đồng thời tập trung vào việc phát triển các lợi ích kinh tế chung”, ông Vương nói thêm.

Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, “quyết tâm của Trung Quốc về việc cải thiện quan hệ với Myanmar sẽ không thay đổi”.

“Chúng tôi hy vọng các bên tại Myanmar sẽ kiềm chế và tính đến lợi ích của người dân trong khi giải quyết cuộc xung đột theo hướng hợp pháp”, ông Vương cho biết.

Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa 2 phe quân đội và phong trào ủng hộ chính phủ dân sự tại Myanmar, vì Bắc Kinh duy trì quan hệ với cả 2 bên. Trung Quốc được cho là sẽ duy trì cách tiếp cận thận trọng trong cuộc đảo chính tại Myanmar vì lo ngại tình hình rối ren ở nước này sẽ ảnh hưởng tới hàng tỷ USD đầu tư vào đây.

Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào Myanmar từ năm 2011 khi quốc gia Đông Nam Á mở cửa sau gần 50 năm quân đội điều hành đất nước. Trong 10 năm qua, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại, chủ nợ và là 1 trong 3 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Myanmar.

Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao của chính quyền dân sự, trong đó có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và giành quyền kiểm soát đất nước. Hàng chục nghìn người Myanmar vẫn xuống đường biểu tình ở các thành phố lớn, trong khi quân đội đã phát đi cảnh báo cứng rắn. Hơn 50 người đã thiệt mạng kể từ khi đảo chính xảy ra tại Myanmar.

Thành Đạt

Theo Straits Times

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three + two =