Quân đội 12 nước ra tuyên bố chung lên án bạo lực ở Myanmar

Lãnh đạo quân đội 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực nhằm vào người biểu tình phản đối binh biến ở Myanmar ngày 27/3, khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Ít nhất 114 người được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối binh biến ở Myanmar ngày 27/3 (Ảnh: Reuters).

Reuters cho biết, lãnh đạo quân đội của 12 quốc gia gồm Australia, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Anh và Mỹ đã nhất trí ra tuyên bố chung lên án tình hình bạo lực ở Myanmar. Bản tuyên bố chung dự kiến được công bố hôm nay 28/3.

Dự thảo tuyên bố có chữ kỹ của đại diện quân đội 12 nước cho biết: “Với tư cách các lãnh đạo quốc phòng, chúng tôi lên án việc quân đội Myanmar và các cơ quan an ninh liên quan sử dụng vũ lực gây sát thương với những người không có vũ khí”.

Đây là một tuyên bố chung hiếm hoi của các quan chức quân đội cấp cao của các nước ở cả châu Á và châu Âu nhằm lên án tình hình bạo lực ở Myanmar kể từ khi binh biến nổ ra ở quốc gia Đông Nam Á này gần 2 tháng qua. Trước đó, giới ngoại giao của các quốc gia này đã lên án bạo lực nhằm vào người tình ở Myanmar.

Dự thảo tuyên bố chung của lãnh đạo quân đội 12 nước tuy không lên án rõ ràng binh biến ở Myanmar, nhưng nhấn mạnh rằng một quân đội chuyên nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và có trách nhiệm bảo vệ, không làm tổn hại đến người dân mà họ phụng sự. Dự thảo tuyên bố cũng hối thúc quân đội Myanmar “ngừng các hành động bạo lực và khôi phục sự tôn trọng và niềm tin vào quân đội của người dân Myanmar”.

Dự thảo tuyên bố được thống nhất trong bối cảnh Myanmar trải qua ngày chết chóc nhất kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối binh biến nổ ra đầu tháng trước. Theo số liệu của các tổ chức hoạt động, ít nhất 114 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh ở Myanmar trong ngày 27/3, nâng tổng số người chết trong hai tháng qua lên hơn 400 người.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar Tom Andrews kêu gọi thế giới phối hợp hành động để hỗ trợ người dân Myanmar. Quan chức này cho rằng, nếu không thể thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thế giới có thể thông qua các hội nghị khẩn cấp để ngăn chặn tình hình bạo lực ở Myanmar.

Trong khi đó, quân đội Myanmar đổ lỗi cho người biểu tình ảnh hưởng đến “sự bình yên của đất nước”. Tại lễ diễu binh nhân Ngày Lực lượng Vũ trang 27/3, Thống tướng Min Aung Hlaing, người nắm quyền điều hành Myanmar sau binh biến, cam kết quân đội sẽ tiến hành một cuộc bầu cử mới và trao quyền lại cho đảng giành chiến thắng. Quân đội đến nay vẫn giam giữ nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi với ít nhất 5 cáo buộc hình sự. Chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái là do gian lận bầu cử.

Minh Phương
Theo Reuters

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ten + two =