Ông Trump còn cơ hội lật ngược kết quả bỏ phiếu đại cử tri?

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ chỉ rời Nhà Trắng nếu đại cử tri đoàn bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ Joe Biden, mặt khác tuyên bố theo đuổi đến cùng các vụ kiện gian lận bầu cử.

Đại cử tri đoàn ở Mỹ đã bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Ngày 14/12, đại cử tri các bang và thủ đô Washington DC của Mỹ đã chính thức bỏ phiếu bầu ra tổng thống mới. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, ứng viên Dân chủ Joe Biden đắc cử với 306 phiếu bầu, trong khi ứng viên Cộng hòa, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, chỉ giành được 232 phiếu.

Kết quả này có thể coi là bước lùi lớn cho các nỗ lực của ông Trump nhằm cáo buộc gian lận bầu cử, song điều đó không có nghĩa là tất cả đã an bài. Các nghị sĩ quốc hội Mỹ vẫn có thể phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri, giống như một số nghị sĩ Dân chủ đã làm năm 2017. Nếu chọn thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại quốc hội, tuy có thể thất bại, nhưng các thượng nghị sĩ Cộng hòa có thể buộc lưỡng viện bỏ phiếu độc lập về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Quốc hội có tiếng nói cuối cùng

Chính ông Biden là người chủ trì phiên họp toàn thể quốc hội đầu năm 2017, xác nhận ông Trump là tổng thống đắc cử. (Ảnh: Getty)

Kết quả bỏ phiếu đại cử tri ngày 14/12 đã xác nhận chiến thắng của ứng viên tổng thống Dân chủ Joe Biden. Tuy nhiên, theo quy định của hiến pháp Mỹ, quốc hội mới có thẩm quyền xác nhận kết quả cuối cùng trước khi tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức.

Thực tế, sau khi đại cử tri đoàn bỏ phiếu, các giấy chứng nhận kết quả bỏ phiếu sẽ được gửi đến quốc hội bằng thư đảm bảo, chậm nhất là ngày 23/12. Tiếp đến, ngày 3/1/2021, quốc hội mới sẽ họp phiên khai mạc trước khi họp lưỡng viện vào ngày 6/1/2021 để kiểm phiếu đại cử tri và công bố tổng thống đắc cử.

Các nghị sĩ có thể phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở một hoặc nhiều bang nhưng phải bằng văn bản. Đây là quy định được nêu rõ trong Đạo luật kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887.

Đơn khiếu nại đó chỉ được xem xét nếu có chữ ký của ít nhất 1 hạ nghị sĩ và 1 thượng nghị sĩ. Nếu không, đơn khiếu nại sẽ không được chấp nhận và các thủ tục xác nhận kết quả, tuyên bố tổng thống đắc cử vẫn diễn ra bình thường. Kịch bản phản đối này hiếm khi xảy ra và khả năng một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ liên kết để khiếu nại kết quả như vậy càng hiếm.

Tuy nhiên, nếu kịch bản đó xảy ra, phiên họp toàn thể quốc hội sẽ ngừng ngay lập tức để các nghị sĩ có thể trở lại vị trí của mình (Hạ viện hoặc Thượng viện) để thảo luận về đơn khiếu nại trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Sau đó, họ sẽ bỏ phiếu liệu có hủy bỏ kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở bang bị khiếu nại hay không. Để hủy kết quả cần có sự nhất trí của lưỡng viện. Đảng Dân chủ hiện kiểm soát Hạ viện trong khi đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện, do vậy khó xảy ra kịch bản quốc hội hủy bỏ kết quả bỏ phiếu đại cử tri của một bang nào.

Theo New York Times, một nhóm nghị sĩ đồng minh của Tổng thống Trump, dẫn đầu là hạ nghị sĩ Mo Brooks, đang lên kế hoạch thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở 5 bang gồm Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia và Wisconsin khi quốc hội họp toàn thể vào ngày 6/1/2021.

Vấn đề mấu chốt là họ phải tìm được một thượng nghị sĩ sẵn sàng tham gia vào nỗ lực này, nhưng đến nay chưa có thượng nghị sĩ nào công khai tuyên bố ủng hộ nỗ lực của ông Brooks. Nếu rốt cuộc không có thượng nghị sĩ nào ký tên vào đơn phản đối kết quả của ông Brooks, nỗ lực của họ sẽ thất bại nhanh chóng và ông Biden có thể chính thức được tuyên bố là tổng thống đắc cử trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ.

Trong trường hợp kết quả bỏ phiếu đại cử tri của bang nào đó bị hủy và khiến không ứng viên nào đạt được tối thiểu 270 phiếu để đắc cử, Hạ viện sẽ là nơi quyết định ai là tổng thống căn cứ vào một cuộc bỏ phiếu mới. Khi đó, theo tu chính án 12 của hiến pháp Mỹ, mỗi bang ở Hạ viện chỉ được một phiếu, nếu ứng viên nào nhận được 26 phiếu sẽ đắc cử.

Phó tổng thống Mike Pence là một trong những chính trị gia khó xử nhất. (Ảnh: Getty)

Kịch bản thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở quốc hội sẽ đẩy các nghị sĩ Cộng hòa vào thế khó, buộc họ phải lựa chọn giữa một tổng thống không thỏa hiệp với niềm tin của họ vào tiến trình bầu cử. Điều này cũng có thể kéo theo sự chia rẽ sâu sắc nội bộ đảng Cộng hòa.

Một trong những người rơi vào tình thế khó xử nhất chính là Phó tổng thống Mike Pence – ứng viên liên danh tranh cử với Tổng thống Trump và cũng là người đóng vai trò chủ tịch Thượng viện công bố tổng thống đắc cử.

Ông Pence không phải là phó tổng thống đầu tiên rơi vào tình thế xác nhận sự thất bại của chính mình. Năm 2001, Phó tổng thống Al Gore cũng công bố quyết định bác bỏ các khiếu nại kết quả, chính thức xác nhận chiến thắng của ứng viên của đảng Cộng hòa George W. Bush. Tuy nhiên, ông Pence khó xử hơn khi buộc phải cân bằng giữa lòng trung thành với Tổng thống Trump và nghĩa vụ hiến pháp cũng như những tính toán cho tương lai chính trị của bản thân.

“Ông ấy không có nhiều lựa chọn. Nhiệm vụ của ông ấy chỉ là đọc to xác nhận”, Donald A. Ritchie, người từng là nhà sử học của Thượng viện Mỹ, bình luận. Tất nhiên, ông Pence vẫn có thể ủy thác việc chủ trì phiên họp toàn thể quốc hội đó cho Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Charles E. Grassley.

Minh Phương
Theo New York Times, CBS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fourteen − six =