Ông Joe Biden đã trải qua một chiến dịch tranh cử mệt mỏi, một cuộc bầu cử khó khăn và giờ ông phải đương đầu với các thách thức pháp lý từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dù nhiều khả năng sẽ bước vào Nhà Trắng ngày 20/1/2021, nhưng ứng cử viên Dân chủ Joe Biden sẽ sớm phải tự hỏi rằng liệu phần thưởng mà mình nỗ lực tìm kiếm bấy lâu nay là gì?
Khó khăn bủa vây
Nếu đắc cử, khi bước vào nhiệm sở, Tổng thống Biden sẽ đối mặt với một nền kinh tế đang suy thoái, làn sóng dịch bệnh bùng phát mạnh và cả một môi trường quốc tế đầy khắc nghiệt, những thách thức rất lớn đối với ngay cả một nhà lãnh đạo kỳ cựu nhất. Không chỉ có vậy, ông Biden sẽ chịu sức ép không nhỏ từ một chính phủ đầy chia rẽ, một hệ thống tư pháp thù địch, một bộ máy hành chính liên bang lỏng lẻo và chủ nghĩa dân túy mang đậm màu sắc Donald Trump trong xã hội.
Trong quá khứ, các tân tổng thống đắc cử có thể trông đợi vào sự hợp tác từ chính đảng đối lập nhằm thông qua các dự luật, song ông Biden khó có thể kỳ vọng vào điều tương tự. Nếu đảng Cộng hòa duy trì thế đa số tại Thượng viện, họ có thể và sẽ tìm cách hủy hoại chính quyền của ông Biden, tạo tiền đề cho làn sóng đối đầu phe Dân chủ trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.
Những dự luật tiến bộ sẽ chết yểu và những cải cách hiến pháp cần thiết về Cử tri Đoàn, về luật bầu cử, hay thậm chí là về vị trí tổng thống, sẽ không diễn ra. Thậm chí người Mỹ sẽ phải chuẩn bị để trải qua những giai đoạn chính phủ đóng cửa kéo dài giữa một cuộc “nội chiến lạnh” với những yếu tố có thể làm tê liệt cả đất nước.
Thêm vào đó, nhiều quan chức mà ông Biden bổ nhiệm sắp tới sẽ đối mặt với sự thù địch của Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Dù không bác bỏ việc bổ nhiệm ngoại trưởng hay bộ trưởng tư pháp, Thượng viện chắc chắn sẽ bảo đảm rằng nhánh hành pháp của phe Dân chủ không thể vận hành như một cỗ máy hoàn chỉnh do thiếu vắng nhiều vị trí quan chức.
Ngay cả nếu đảng Dân chủ giành được thế đa số tại Thượng viện, ông Biden cũng không tránh khỏi những trở ngại. Với việc bổ nhiệm Amy Coney Barrett chỉ một tuần trước cuộc bầu cử, đảng Cộng hòa đã bảo đảm thế đa số 6-3 tại Tòa án Tối cao, cơ quan tư pháp vốn đã có xu hướng thiên hữu từ năm 1930.
Như vậy, Tòa án Tối cao sẽ tiếp tục xói mòn nền tảng pháp lý của các cơ quan lập quy và thúc đẩy các giá trị bảo thủ xã hội, điều đã diễn ra suốt 2 thập kỷ qua. Dù có thể thúc đẩy thành công những dự luật tiến bộ tại Quốc hội song ông Biden sẽ đối mặt với nguy cơ bị Tòa án phủ quyết. Trên thực tế, Tòa án có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho Đạo luật Chăm sóc Y tế hợp túi tiền, một thành quả nổi bật của cựu Tổng thống Barack Obama.
Nỗ lực thuyết phục các cử tri Cộng hòa vốn cho rằng phe Dân chủ đã “đánh cắp” cuộc bầu cử của họ sẽ còn rất khó khăn. (Nguồn: AP)
Tái tổ chức lại hậu chính quyền ông Trump
Với một bộ máy hành pháp nhiều lỗ hổng và nhánh tư pháp thù địch, ông Biden sẽ gặp không ít khó khăn trong việc sử dụng quyền lực của mình. Các cơ quan liên bang cũng đã trải qua không ít xáo trộn dưới thời ông Trump và nhiều khả năng sẽ phải mất một thời gian để tái tổ chức.
Những nỗ lực nhằm sửa chữa các thiệt hại mà Tổng thống Trump gây ra trong các vấn đề lập quy về môi trường, y tế, hay an toàn không thể được đẩy nhanh do các cơ quan chính quyền vận hành trì trệ và mọi thay đổi đều sẽ đối mặt với sự hoài nghi từ các thẩm phán liên bang, do đảng Cộng hòa bổ nhiệm.
Tương tự như vậy, tham vọng dùng quyền hành pháp để cải cách vấn đề di cư và giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu cũng sẽ đối mặt với trở ngại tại tòa án. Ông Biden có quyền áp đặt những biện pháp để kiềm chế dịch bệnh, song các thẩm phán mà Tổng thống Trump bổ nhiệm có thể sẽ phản đối nếu điều này mâu thuẫn với quyền tự do tôn giáo và sở hữu tài sản, những gì từng diễn ra khi nhiều thống đốc bang ban bố các sắc lệnh tương tự.
Cuối cùng, dư luận là một vấn đề cũng rất đáng lưu ý. Dù ông Biden thắng phiếu phổ thông song không ai có thể phủ nhận sự mâu thuẫn nghiêm trọng trong cử tri Mỹ. Những vụ kiện mà ông Trump thúc đẩy khó có khả năng thành công nhưng nỗ lực thuyết phục các cử tri Cộng hòa vốn cho rằng phe Dân chủ đã “đánh cắp” cuộc bầu cử của họ sẽ còn rất khó khăn.
Đặc biệt, nếu ông Trump thành công trong việc thuyết phục đủ số cử tri tin rằng kết quả cuộc bầu cử là bất hợp pháp, ông Biden sẽ gặp thêm nhiều thách thức trong việc bảo đảm sự ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa không mấy nhiệt thành cũng như những đại diện mà họ bổ nhiệm. Ông Biden cũng sẽ phải đương đầu với một liên minh Dân chủ đầy rạn nứt, một liên minh gồm lực lượng cánh tả, trung dung và các nhân vật bài ông Trump độc lập rất dễ tan vỡ.
Với tất cả những lý do ấy, có thể nói rằng ông Biden sẽ khó được tận hưởng “kỳ trăng mật” truyền thống như những tổng thống mới đắc cử. Ông Biden tranh cử với tư cách “người hàn gắn”, nhưng cũng giống như cựu Tổng thống Obama, ông Biden sẽ sớm nhận ra rằng ông sẽ không thể giành được sự ủng hộ của những người vốn bài xích mình. Nói đúng hơn, thất bại của ông Trump nếu xảy ra nên được nhìn nhận là một sự thắng lợi của nền dân chủ Mỹ.
Theo Thục Anh
Thế giới & Việt Nam
- Ông Trump “nổi đóa” với Bộ trưởng Tư pháp vì nói không có gian lận bầu cử
- Mỹ siết trừng phạt các công ty Trung Quốc và Nga
- Ông Pompeo “bật đèn xanh” chuyển giao quyền lực tại Bộ Ngoại giao Mỹ
- Ông Trump nêu điều kiện rời Nhà Trắng
- Phi công bị hút ra khỏi buồng lái giữa chuyến bay vẫn sống sót thần kỳ