Đằng sau nước đi quyết đoán của TT Trump khi Mỹ rút khỏi WHO

Tuyên bố của ông Trump về việc rời Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khiến giới ngoại giao và y tế bất ngờ. Chỉ vài giờ trước đó, đại sứ Mỹ tại Geneva còn cố ra điều kiện với WHO.

Đại sứ Mỹ tại Geneva Andrew Bremberg tới trụ sở WHO hồi cuối tháng 5 với hy vọng cứu vãn quan hệ giữa Mỹ và WHO. Ông đưa cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus danh sách gồm 7 đòi hỏi mà phía Mỹ mong muốn đàm phán kín.

Nhưng chỉ vài giờ sau, từ nhà Trắng, ông Trump đột ngột tuyên bố Mỹ sẽ rời khỏi WHO. Động thái này làm các nhà ngoại giao như ông Bremberg lẫn quan chức WHO như ông Tedros bất ngờ.

Giờ đây, tổng thống đắc cử Joe Biden nói Mỹ sẽ gia nhập lại WHO ngay sau khi ông lên nắm quyền. Nhưng ông Biden sẽ thừa hưởng một mối quan hệ đầy rạn nứt giữa Mỹ và WHO, đồng thời cũng đứng trước những ý kiến kêu gọi cải tổ cơ quan này.

Các đòi hỏi của ông Trump giờ đây không còn ý nghĩa, nhưng chúng hé lộ thêm về bản chất đổi chác, có qua có lại, trong cách đối ngoại của ông Trump; đồng thời cho thấy những xung khắc trong quan hệ Mỹ – WHO thời kỳ đầu của dịch bệnh, theo báo New York Times.

Ông Trump tuyên bố hồi tháng 5 rằng Mỹ sẽ rời WHO, khiến giới ngoại giao và y tế bất ngờ. Ảnh: New York Times.

Mâu thuẫn giữa Mỹ và WHO

Một số nhà ngoại giao và quan chức y tế kỳ cựu nói danh sách các đòi hỏi của ông Trump bao gồm một số đề nghị hợp lý, dễ dàng thương lượng được qua kênh chính thức. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khá nhạy cảm về mặt chính trị, thậm chí quá đáng.

“Dường như không có tầm nhìn chiến lược nào”, Gian Luca Burci, cựu cố vấn pháp lý của WHO, bàn về các danh sách này với New York Times.

Các chuyên gia hiểu vì sao ông Tedros lựa chọn không thỏa hiệp với đòi hỏi của Mỹ. Giáo sư luật Đại học Georgetown, Lawrence Gostin, nói một số đòi hỏi tương đương với việc bắt nạt, tống tiền.

Bản “yêu sách” của Mỹ là kết quả sau nhiều tháng bất bình từ chính quyền Trump với ông Tedros. Các quan chức Mỹ cao cấp cho rằng ông Tedros khen ngợi Trung Quốc quá sớm và phát biểu về dịch bệnh theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Chẳng hạn, ông Tedros hồi tháng 1 tuyên bố Trung Quốc sẽ chia sẻ mẫu bệnh với thế giới. Nhưng khi Trung Quốc không làm như đã hứa, vị tổng giám đốc WHO lại im lặng làm ngơ.

Tổ chức này cũng bí mật làm theo những điều kiện của Bắc Kinh trước khi một phái đoàn quốc tế tới vào tháng 2, nhường lại quyền kiểm soát cuộc điều tra nguồn gốc của virus.

Ông Trump khá chú trọng vào vấn đề giới hạn đi lại, trong khi WHO lại có chính sách lâu năm là không giới hạn đi lại.

Các quan chức dưới quyền ông Trump cũng bị chia rẽ. Một phe muốn rời WHO để xây dựng tổ chức y tế mới, bao gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows.

Phe còn lại, gồm Đại sứ Bremberg, Bộ trưởng Y tế Alex Azar, và người đứng đầu tổ chức tài chính phát triển Mỹ (DFC) Adam Boehler, lập luận rằng nếu có thể thuyết phục WHO thay đổi, thì nên ở lại.

Cho đến tháng 5, ông Trump vẫn nghe theo phe thứ hai. Ông viết trên Twitter một “tối hậu thư”, đe dọa sẽ rời WHO nếu tổ chức này không “thay đổi đáng kể, thực chất” trong vòng 30 ngày.

Danh sách đòi hỏi của Mỹ

Chính quyền Trump yêu cầu WHO thực hiện 7 điểm, New York Times cho biết sau khi phỏng vấn các quan chức.

Đầu tiên, Mỹ kêu gọi điều tra cách WHO xử lý dịch bệnh cũng như nguồn gốc virus – đề nghị mà hơn 140 nước đã ủng hộ. Tháng 7, ông Tedros đã làm điều này (dù muộn màng) khi giao cho cựu thủ tướng New Zealand cùng cựu tổng thống Liberia tiến hành điều tra cách WHO xử lý dịch.

Thứ hai, Mỹ kêu gọi ông Tedros yêu cầu Trung Quốc cung cấp mẫu virus và dừng kiểm duyệt bác sĩ, nhà báo Trung Quốc. Điều này sẽ trái với truyền thống của WHO là hiếm khi chỉ trích nước thành viên. Ông Tedros cho rằng cách làm như vậy không có lợi gì trong bối cảnh đại dịch, và như vậy chính là áp đặt quan điểm của nước này lên nước khác.

Một khu khám bệnh nhân Covid-19 hồi tháng 2 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Thứ ba, Mỹ đề nghị ông Tedros thừa nhận việc các nước hạn chế đi lại là quyết định đúng. Nhưng điều này trái với khuyến cáo lâu nay của WHO là cấm lưu thông không hiệu quả trong việc kiềm chế virus.

Đến tháng 4, WHO mới dần chấp nhận rằng cấm đi lại cũng là giải pháp, và kêu gọi có những giới hạn “hợp lý”. Trong khi Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm lưu thông với Trung Quốc từ tháng 3.

Thứ tư, Mỹ đề nghị WHO cử một nhóm đến Đài Loan (Trung Quốc) để nghiên cứu phản ứng chống dịch thành công của chính quyền đảo này. Đài Loan chưa phải thành viên của WHO, và đề nghị trên chắc chắn rất nhạy cảm với Bắc Kinh.

Mỹ cũng đề nghị WHO “phê chuẩn trước” thuốc và vaccine Covid-19 cho sử dụng trên toàn cầu, một khi những liệu pháp này được phê chuẩn từ các cơ quan quản lý lớn ở Mỹ, Canada, châu Âu hay Nhật Bản.

Điều này có thể đẩy nhanh các phương pháp điều trị, nhưng dễ tạo ra suy nghĩ rằng Mỹ có thể tác động lên quá trình WHO chấp thuận một loại thuốc.

Chính quyền Trump cũng yêu cầu ông Tedros bảo đảm các nước đóng nhiều tiền cho WHO phải có nhiều người đại diện hơn trong đội ngũ WHO.

Cho đến khi Đại sứ Bremberg gặp ông Tedros ở Geneva, quan điểm của các quan chức cao cấp ở Washington đã thay đổi. Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows tin rằng việc đàm phán với ông Tedros sẽ không thành, hoặc nếu thành công thì cũng không đem lại nhiều lợi ích.

Do vậy, ông Meadows cùng các quan chức cấp cao đồng thuận về việc rút khỏi WHO.

Ông Trump cũng đồng ý. Sẵn đang họp báo nhằm chỉ trích Trung Quốc, ông Trump tuyên bố luôn ý định rút Mỹ khỏi WHO.

Ông cũng từng làm vậy hồi năm 2018, khi tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước về bưu chính của Liên Hợp Quốc, để rồi thay đổi quyết định sau khi đạt được các yêu cầu.

Nhưng lần này, ông Tedros không có hứng thú thương lượng.

Tổng giám đốc WHO nói với các đồng nghiệp rằng ông bị kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ. Trả lời các phóng viên sau tuyên bố của ông Trump, ông Tedros chỉ nói quan hệ đối tác với Mỹ đã phục vụ nhân loại trong nhiều thập kỷ nay, và mong muốn sự hợp tác đó sẽ tiếp tục.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

sixteen − ten =